Địa ốc bình định - Mua bán rao vặt nhà đất miễn phí

https://www.diaocbinhdinh.net


Điều chỉnh quy hoạch thành phố Quy Nhơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một tỏng những cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận.
Điều chỉnh quy hoạch thành phố Quy Nhơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Điều chỉnh quy hoạch thành phố Quy Nhơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050: 

Khơi dậy những tiềm năng

Quy hoạch chung Quy Nhơn gần đây nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/6/2004, thời gian qua việc thực hiện theo quy hoạch này đem lại thành tựu đáng kể đóng góp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, một số nội dung của đồ án quy hoạch không còn phù hợp đối với yêu cầu phát triển mới, một số chức năng quy hoạch không thể giải quyết chỉ trong địa giới hành chính của thành phố Quy Nhơn. Quy Nhơn như "một chiếc áo chật trong một cơ thể đang ngày càng phát triển khỏe mạnh". Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương để UBND tỉnh tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch. Các chuyên gia tư vấn của Pháp và Viện Quy hoạch Đô thị-Nông thôn Quốc gia-Bộ Xây dựng phối hợp nghiên cứu thực hiện quy hoạch này.
Bước đột phá của quy hoạch lần này là quy hoạch không chỉ bó buột trong phạm vị địa giới hành chính, việc quy hoạch bao gồm cả thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận theo phương châm "cộng sinh" nhằm đảm bảo phát triển cân bằng, bềnh vững cho tổng thể khu vực quy hoạch.
- Về diện tích quy hoạch: Tổng diện tích quy hoạch 678km2, bao gồm thành phố Quy Nhơn, toàn bộ huyện Tuy Phước, xã Canh Vinh, Canh Hiển huyện Vân Canh, một phần xã Cát Chánh, Cát Tiến và Cát Hải huyện Tuy Phước. Quy hoạch năm 2004 chỉ có diện tích 216km2.
- Về dự báo tăng dân số: đến năm 2035, dân số thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đạt khoảng 650.000 - 680.000 người, dân số đô thị khoảng 530.000 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 78 - 82%. So với hiện nay dân số Quy Nhơn và vùng phụ cận 525.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 56%.

PCTT QUY NHON
PCTT QUY NHON

 

Giới thiệu một số nội dung cơ bản của quy hoạch như sau:

I. Tính chất quy hoạch:
- Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định;
- Là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia; trung tâm công nghiệp; du lịch; thương mại-dịch vụ, dịch vụ vận tải biển; y tế; giáo dục đào tạo; nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ của vùng Nam Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên;
- Là đầu mối giao thông đường thuỷ, đường bộ quan trọng của vùng Nam Trung bộ và là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông;
- Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

II. Mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch: 
- Đến năm 2025 thành phố Quy Nhơn trở thành một trong các đô thị trung tâm của Vùng duyên hải miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch. 
- Đến năm 2035 là một trong những trung tâm kinh tế biển của Quốc gia; có nền kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển; 
- Tầm nhìn đến năm 2050: có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung Bộ; có nền kinh tế phát triển theo định hướng du lịch - dịch vụ - cảng biển - công nghiệp, trọng tâm là du lịch - dịch vụ - cảng biển; có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, môi trường, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

III. Mô hình đô thị:
Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm với hai trung tâm chính là thành phố Quy Nhơn và khu kinh tế Nhơn Hội. Các khu vực đô thị phát triển có cấu trúc mở, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vùng, được bố trí linh hoạt dựa trên đặc điểm tự nhiên và thế mạnh trong hoạt động kinh tế của từng địa bàn, có sự phối hợp và phân công phù hợp. Các lưu vực sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai, núi Vũng Chua và vùng nông nghiệp huyện Tuy Phước là bộ khung tự nhiên có vai trò cân bằng trong phát triển đô thị.

IV. Chiến lược phát triển: "7 chiến lược- một hình ảnh"

1. Phát triển khu vực trung tâm thành phố Quy Nhơn: 
Chuyển đổi các khu đất giáo dục, y tế, quốc phòng, cơ quan dọc bãi biển trên đường Xuân Diệu, đường An Dương Vương sang đất xây dựng công trình hỗn hợp có chức năng chủ yếu là dịch vụ du lịch cao cấp. Xây dựng trung tâm thương mại , tài chính, ngân hàng, dịch vụ - du lịch cao cấp dọc đường Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn. Chuyển đổi ga Quy Nhơn hiện hữu thành khu chức năng dân dụng của đô thị. Hiện đại hóa trung tâm hành chính Tỉnh theo hướng tập trung, cao tầng.

quangtruong
Quảng trường quy nhơn

2. Phát triển công nghiệp lọc hóa dầu: 
Lấy trung tâm là dự án lọc hóa dầu Victory tại Khu kinh tế Nhơn Hội làm động lực phát triển chuỗi các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan. Đây là cơ hội tạo nguồn lực xây dựng và phát triển đô thị trong thời gian ngắn hạn và lâu dài.

conghiephoadau
Khu công nghiệp hóa dầu Bình Định

3. Phát triển hành lang du lịch - văn hóa - thiên nhiên:
Phát triển hành lang du lịch - văn hóa - thiên nhiên, tạo dựng cảnh quan sinh thái bên vịnh Quy Nhơn, đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai, đồng bằng Tuy Phước, hệ thống sông Côn, sông Hà Thanh, núi Vũng Chua, núi Bà Hỏa, đảo Nhơn Châu… kết nối với các di tích Chăm pa, di tích thời đại Tây Sơn và vùng cảnh quan đô thị, làng xóm nông thôn.
Phát triển tuyến ven biển từ Quy Nhơn - Sông Cầu - Tam Quan để khai thác tối đa thế mạnh biển và ven biển, đảo của thành phố Quy Nhơn. Trong đó, trung tâm thành phố Quy Nhơn là khu du lịch trọng điểm của toàn vùng; Phương Mai - Núi Bà là khu du lịch trọng điểm quốc gia. 
Ưu tiên xây dựng trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp, hiện đại bên vịnh Quy Nhơn. 
Xây dựng vùng du lịch cảnh quan sinh thái trọng điểm đầm Thị Nại, bảo tồn hệ sinh thái đầm và bảo tồn đa dạng sinh học đảo cồn Chim. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, làng nghề gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử và cảnh quan núi, sông, hồ, nông - lâm nghiệp đặc sắc của Tuy Phước, Canh Vinh, Canh Hiển. 
Xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy trên vịnh Quy Nhơn, sông Hà Thanh, đầm Thị Nại. Xây dựng các tuyến du lịch gắn với hành lang văn hóa - thiên nhiên theo tuyến Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn để khai thác tối đa thế mạnh vùng cảnh quan, di tích từ Đông sang Tây, xâu chuỗi các điểm du lịch nổi tiếng: Mũi Tấn, thành cổ, vùng di tích văn hoá Chăm.

DULICH
Điểm du lịch bình định


4. Phát triển Quy Nhơn và vùng phụ cận thành đô thị Khoa học và Giáo dục: 
Lấy hạt nhân là Khu đô thị Khoa học - Giáo dục tại Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, nơi hội tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới và trong nước; các nhà quản lý giáo dục, khoa học Việt Nam; từng bước đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến của khoa học - giáo dục. Giai đoạn dài hạn, định hướng phát triển du lịch Bình Định theo hướng du lịch khoa học-giáo dục lớn trong khu vực và thế giới.

KHOAHOCGIAODUC
Khoa học giáo dục Bình Định

5. Chiến lược phát triển dịch vụ cảng biển - phát triển dịch vụ logistic: 
Quy hoạch phát triển cụm cảng Quy Nhơn (ban gồm cảng Quy Nhơn, Thị Nại, Tân Cảng và cảng Nhơn Hội) đến năm 2035 có công suất khoảng 48 triệu tấn/năm, tăng gấp 6 lần so với hiện nay.
Xây dựng phát triển 02 khu vực dịch vụ Logistic (khu vực tiền cảng-cảng cạn) gắn với các đầu mối giao thông quan trọng tại đầu mối giao thông Quốc lộ 1A và Quốc lộ19 tại khu vực Nam cầu Gành, xã Phước Lộc; khu vực 2 tại nút giao Quốc lộ 19C với đường bộ cao tốc Bắc Nam tại xã Canh Vinh.
Chiến lược này khẳng định vai trò, vị trí của Quy Nhơn là cửa ngõ ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. Để thực hiện chiến lược này các giải pháp giao thông đối ngoại của đô thị được quan tâm giải quyết như dự án QL19 mới, nâng cấp QL19 hiện hữu đến cửa khẩu Lệ Thanh, QL19B, QL19C, đường cao tốc Bắc Nam, dự án mở rộng cảng Quy Nhơn, dự án nâng cấp sân bay Phù Cát,…

cangbien
Cảng biển quy nhơn

6. Phát triển khu trung tâm động lực mới: 
Bao gồm khu vực (đô thị Diêu Trì và các phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân): 
Xây dựng trung tâm giao thương hiện đại cửa ngõ thành phố Quy Nhơn tại thị trấn Diêu Trì. Hình thành mới trung tâm dịch vụ bán lẻ, các tòa nhà văn phòng đại diện, trung tâm thương mại, tài chính, nghiên cứu - ứng dụng công nghệ cao, các khu hỗn hợp ở và thương mại gắn với ga tổng hợp Diêu Trì. 

7. Nông nghiệp đô thị hướng tới đô thị xanh-đô thị sinh thái: 
Vùng phụ cận, chủ yếu thuộc huyện Tuy Phước, Canh Vinh, Canh Hiển xây dựng mô hình làng gắn với hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, từng bước chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau, củ, quả, cây cảnh, hoa…; phát triển chăn nuôi gia cầm phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của đô thị. Giải pháp quy hoạch nêu trên phù hợp với khuynh hướng phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái trên thế giới, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa tác động đến thoát lũ hạ lưu sông Côn và sông Hà Thanh.

conghiepnongthon
Công nghiệp nông thôn


V. Các vấn đề về hạ tầng xã hội, kỹ thuật, môi trường:
Đồ án quy hoạch lần này đã giải quyết cơ bản các tồn tại, hạn chế của thực trạng và giải pháp quy hoạch năm 2004. Lần đầu tiên nội dung đánh giá môi trường chiến lược đã được đưa vào quy hoạch để đảm bảo đô thị phát triển cân bằng, bềnh vững.

VI. Quản lý triển khai thực hiện quy hoạch:
Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch là việc hết sức khó khăn, phức tạp. Để triển khai thực hiện quy hoạch nêu trên một cách đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo giữ được tầm nhìn, chiến lược phát triển, trách nhiệm của UBND tỉnh, Sở Xây dựng, các ngành, các cấp, các địa phương liên quan còn rất nặng nề, yêu cầu rất lớn đối với các nguồn lực để thực hiện. Việc cấp bách nhất hiện nay là công bố, công khai, ban hành quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch; xây dựng chương trình phát triển đô thị; lập hồ sơ khu vực phát triển đô thị; lập các đồ án quy hoạch phân khu,...


Quy hoạch chung Quy Nhơn lần này sẽ tạo ra bước đột phá nhằm phát triển thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận xứng tầm là 1 trong 12 đô thị lớn, cực lớn của Quốc gia theo quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.

Viết bởi KTS.Lê Đăng Tuấn
Nguồn ảnh: Tham khảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây